Ngày 10/6/1940 đã đi vào lịch sử của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương là một sự kiện chính trị trọng đại, đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Hải Dương và là một mốc mới trên con đường đấu tranh cùng cả nước vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Bia kỷ niệm "Nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Hải Dương - 10/6/1946" tại thôn Đầu Bến, xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách
Cuối những năm 20 của thế kỷ XX, một số thành viên của tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam đã về Hải Dương truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê nin, tuyên truyền vận động cách mạng, xây dựng tổ chức và lãnh đạo công nhân, nông dân đấu tranh chống áp bức, đòi quyền dân sinh, dân chủ. Nhiều nơi, cơ sở cách mạng đã được hình thành như: Mỏ than Mạo Khê (Đông Triều), Thượng Cốc (Gia Lộc), Đọ Xá (Chí Linh), phố Cựu Thành (thành phố Hải Dương)… và những nơi này đã thành lập được các tổ chức chi hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Từ đây phong trào tiếp tục phát triển sang các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ, Vĩnh Bảo...
Đại hội lần thứ nhất (tháng 6/1946) đề ra các chủ trương, biện pháp quan trọng nhằm lãnh đạo phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đưa dân tộc ta bước sang một trang sử mới, hai chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Hải Dương đã được thành lập: Chi bộ mỏ than Mạo Khê, do đồng chí Nguyễn Văn Cừ tổ chức và chi bộ Đọ Xá (Chí Linh) do đồng chí Trần Cung tổ chức. Sau khi các chi bộ được thành lập, phong trào cách mạng ở các địa phương được tiếp thêm sức mạnh mới. Liên Tỉnh ủy B (gồm các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An, Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai) được thành lập và chọn Tạ Xá (Hợp Tiến, Nam Sách) làm trung tâm hoạt động. Tháng 5/1940, chi bộ Tạ Xá (Nam Sách), chi bộ Trại Chua - Hàm Ếch (Chí Linh) được thành lập. Ngày 10/6/1940, Ban Tỉnh uỷ lâm thời tỉnh Hải Dương được thành lập (tại nhà cụ Lê Thị Thạnh, thôn Tạ Xá, xã Hợp Tiến, Nam Sách), gồm 3 đồng chí: Nguyễn Mạnh Hoan, Chu Thị Kim Sơn, Nguyễn Tấn Phúc, do đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan làm Bí thư. Trong khí thế cách mạng sục sôi, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh nổi dậy giành chính quyền. Hải Dương là 1 trong 4 tỉnh giành được chính quyền ở tỉnh lỵ đầu tiên trong cả nước.
Nhà cụ Lê Thị Thạnh,Tạ Xá (xã Hợp Tiến,huyện Nam Sách)
nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Hải Dương.
Từ Đại hội Đảng bộ Hải Dương lần thứ nhất với 80 đại biểu đại diện cho 250 đảng viên toàn tỉnh vào đầu tháng 6/1946 đề ra các chủ trương, biện pháp quan trọng nhằm lãnh đạo phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh; đến nay, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt, đã trải qua 16 kỳ đại hội, đến tháng 4/2020, toàn Đảng bộ đã có 106.989 đảng viên, sinh hoạt ở 677 tổ chức cơ sở đảng. Năm 2020, toàn tỉnh ra sức thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại mang tính lịch sử của dân tộc, kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh trong không khí sôi nổi tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội XIII của Đảng. Đảng bộ và nhân dân Hải Dương luôn tuyệt đối trung thành, một lòng, một dạ đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn; bám sát, vận dụng có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn của địa phương, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, vươn lên giành được nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020
Xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa (XHCN), giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 19/12/1946, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương lại bước vào vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Với trên 13 ngàn trận đánh lớn nhỏ, quân và dân Hải Dương đã tiêu diệt, bắt sống và gọi hàng gần chục vạn tên địch, thu hàng nghìn súng các loại, phá huỷ hàng trăm đầu tàu, toa xe, xe cơ giới, ca nô, tàu chiến, thu hàng tấn quân trang, quân dụng làm nên “Tiếng sấm đường 5” anh hùng, góp phần cùng cả nước đi tới chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh lại cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cả nước tiến hành 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa (XHCN), giải phóng miền Nam khỏi ách xâm lược của đế quốc Mỹ.
Từ tháng 01/1968, Đảng bộ tỉnh Hải Dương hợp nhất với Đảng bộ tỉnh Hưng Yên thành Đảng bộ tỉnh Hải Hưng. Con em Hải Hưng đã lên đường vào Nam chiến đấu, đồng thời quân và dân Hải Dương đã phối hợp cùng bộ đội chủ lực tham gia chiến đấu 2.630 trận, bắn rơi 83 máy bay Mỹ, trong đó có 13 chiếc do lực lượng vũ trang tỉnh bắn rơi, bắt sống hàng chục giặc lái, góp phần tích cực đập tan cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ, cùng cả nước đi tới chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng quê hương, đến tháng 4/2020, toàn tỉnh Hải Dương có: 38.941 liệt sĩ; 21.734 thương binh; 10.490 bệnh binh; 4.076 Bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; 38 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 226 người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; 766 người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa Tháng 8/1945; 3.645 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; 7.518 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; hàng chục vạn người hoạt động kháng chiến, giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến; Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” và “Bằng có công với nước”…
Nhà làm việc của Tỉnh ủy Hải Dương, đường Bạch Đằng, thành phố Hải Dương
Hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc
Tháng 01/1997, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và quyết định của Quốc Hội, tỉnh Hải Dương và Đảng bộ tỉnh Hải Dương được tái lập. Trải qua hơn 20 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh phát huy sức mạnh đại đoàn kết, triển khai thắng lợi sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, thu được thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực. Từ một tỉnh nông nghiệp lạc hậu, đến nay, Hải Dương đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội của khu vực đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Kinh tế hằng năm đều tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hóa. Quy mô của nền kinh tế tỉnh nhà đứng thứ 11 trong cả nước. Thu ngân sách và thu hút đầu tư đạt kết quả khá cao, từ năm 2017, Hải Dương là một trong 16 tỉnh, thành phố trong cả nước tự cân đối ngân sách và có một phần đóng góp về ngân sách Trung ương. Đặc biệt, năm 2019 thu ngân sách của tỉnh đạt trên 20.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã quy hoạch, phát triển được 18 khu công nghiệp, trong đó có 10 khu công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng và đi vào hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống giao thông liên tỉnh. Xây dựng và phát triển đô thị, nông thôn đạt kết quả nổi bật. Văn hóa - xã hội phát triển toàn diện. Giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều tiến bộ. Đời sống, việc làm và thu nhập của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Quốc phòng - an ninh được củng cố và giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội có bước chuyển biến tích cực, nhất là trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và việc kiện toàn, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Nhiệm kỳ 2015-2020, kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI khá tích cực, các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội cơ bản đều đạt, nhiều chỉ tiêu quan trọng vượt mục tiêu đề ra.
Thu hoạch vải thiều tại Hải Dương
Phát huy mạnh mẽ truyền thống vẻ vang của dân tộc, của Đảng, của tỉnh Hải Dương văn hiến, anh hùng, đoàn kết, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương xác định mục tiêu, phương hướng giai đoạn 2020-2025 tiếp tục tăng cường xây dựng chỉnh, đốn đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, nhất là về lợi thế vị trí địa lý của tỉnh nằm ở trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô, có hạ tầng giao thông phát triển. Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư trên địa bàn. Phát huy các di sản văn hóa và bản sắc con người xứ Đông nhằm phát triển Hải Dương nhanh và bền vững với ba trụ cột: công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao; tạo bước đột phá trong phát triển du lịch và dịch vụ. Tập trung xây dựng đô thị thông minh, nông thôn kiểu mẫu. Phát triển kinh tế nhanh đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao mức sống của người dân. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa quê hương, củng cố vững chắc quốc phòng, quân sự địa phương; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mở rộng liên kết vùng, nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế, tiếp cận nhanh với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Định hướng đến năm 2030, Hải Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2035, Hải Dương là thành phố trực thuộc Trung ương.
BT - Văn phòng Tỉnh ủy
Nguồn: tinhuyhaiduong.vn